Mr Soichiro Honda, chủ tịch hãng Honda, trong 1 lần giao lưu với SV ĐH Tokyo, được hỏi “theo kinh nghiệm của ông thì làm thế nào để nhận biết 1 người có năng lực”, ông nói: Hãy ở chung với họ và lúc nào cũng thấy cái bếp sạch boong sáng bóng!
Xã hội thi cử khoa bảng nên nhiều gia đình cứ ưu tiên việc học và không cho trẻ làm cái gì khác ngoài học, hình thành thói quen lười nhác khi vận động. Khi giao cho trồng 1 cái cây, vì chỉ biết học, nên không tưới, cây chết. Khi giao thêm việc ngoài việc học, họ cảm thấy phiền toái. Cuối cùng giải pháp là: không nuôi con gì, không trồng cây gì, tập trung học. Nếu không biết chăm sóc 1 cái cây, 1 con vật thì làm sao trẻ có lòng trắc ẩn và biết chăm sóc người khác khi lớn lên?
Câu cửa miệng là “con đang bận học, con mắc học”. Học chỉ là 1 động từ trong hàng trăm động từ của 1 con người, cớ sao dành quá nhiều thời gian trong ngày chỉ cho 1 động từ? Ngồi lì học, rồi thành một chứng bệnh trầm kha khó chữa, di chứng để lại suốt đời là “chẳng biết gì ngoài học”.
Những người chỉ biết mỗi việc ngồi học, giỏi cỡ nào thì ra đời cũng chật vật để kiếm sống, 100%. Hoặc ai đầu óc xuất sắc lắm, hiểu biết thông thái lắm, thì cũng chỉ đủ 1 giấc mơ nho nhỏ 1234 (1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh). Họ không thể quán xuyến nổi bất cứ cơ nghiệp nào, đầu óc không thể làm được nhiều việc, không sắp xếp được thời gian để sống cuộc đời đầy màu sắc. Họ không thể quản lý nổi xí nghiệp resort công ty trăm người và ngàn việc phát sinh trong cùng 1 lúc nếu từ nhỏ không có kinh nghiệm quản lý 1 cái phòng trọ nhỏ? Họ không thể làm tướng được vì họ từ nhỏ chỉ có 1 năng lực là HỌC (học là động từ chỉ việc bắt chước người khác, lặp lại ý của người khác, tư duy theo người khác, nhắc lại đúng y chang thì được 10 điểm, khen là học giỏi). Học giỏi không có ý nghĩa gì cả, làm giỏi mới là cái đáng nói. Người làm giỏi mới là nhân tài, mới là nguyên khí của quốc gia.
Ai lúc nhỏ chỉ biết ngồi học (theo lịch của trường, theo bài tập của thầy cô giao cho, theo lịch các kỳ thi) thì ra đời, chỉ biết ngồi làm (theo lịch của cơ quan, theo lệnh của sếp, theo các công việc có sẵn). Người sáng sớm chỉ biết thay đồ đi học, tối về mải giải bài tập về nhà thì lớn lên, sáng sớm cũng chỉ biết thay đồ đi làm và tối về lướt mạng xã hội. Họ không thể làm quản lý hay lãnh đạo được, vì phải chờ “bài tập” của người khác giao cho. Dịch bệnh giãn cách phong toả, nhiều bạn trẻ sống vất vả vì chẳng biết nấu nướng dọn dẹp gì, cứ phụ thuộc quán xá, nghĩ mình học giỏi, làm ra tiền là có người phục vụ. Rồi bây giờ đã thấy, không phải lúc nào tiền cũng có thể mua được cái mình muốn. Ai từ nhỏ làm lụng thì sống sẽ nhẹ nhàng hơn, an toàn hơn người nhác làm.
Người có đầu óc, họ sẽ vừa làm – vừa học, học thông qua làm, learning by doing. Học cũng giỏi mà chơi cũng giỏi. 1 ngày của họ có nhiều trải nghiệm chứ không lặp đi lặp lại 1 cái gì. Họ dành thời gian dù ít ỏi nhưng thoả mãn được hết các quan hệ trong đời họ, với người thân, với bạn bè, với thầy cô, với hàng xóm, với bồ bịch, với xã hội,….Họ sắp xếp thời gian làm nhiều việc trong ngày, càng nhiều việc càng tốt. Học đúng là nắm được phương pháp và sau đó tự mày mò nghiên cứu, tự học, hiểu để ứng dụng, chứ không phải để khoe bằng cấp hay khoe chữ khoe nghĩa với nhau. Phải cân đối với các hoạt động khác về rèn thể lực, làm việc nhà, quan hệ xã hội, vui chơi, giúp đỡ cộng đồng, nghĩ ra cái mới…. chứ không phải ngồi vào bàn cả ngày mà cho là hay.
Năng lực tự học (1), quán xuyến đa nhiệm (2), sắp xếp thời gian (3) là bí mật của một người MUỐN GÌ ĐƯỢC NẤY. Lớn lên họ sẽ tự học được, làm được nhiều thứ mà với người thông thường, người ta sẽ hỏi “không biết ông ấy/bà ấy lấy đâu ra thời gian mà làm được nhiều việc như thế?”.
Singapore là 1 nước nhỏ, chỉ có 5 triệu dân, nhưng tổng của cải GNP ngang ngửa 100 triệu dân của Việt Nam và 110 triệu dân của Phi-lip-pines, hai nước hàng xóm người đông, học nhiều, tiếng Anh tiếng em rào rào mà làm việc thì không năng suất mấy. Học nhiều học giỏi nhưng không biết làm. Nguyên nhân, đại đa số giới trẻ, 18 năm, 22 năm đầu đời, chỉ biết chia 1 động từ duy nhất là HỌC.
Tony Buổi sáng